ĐẶC ĐIỂM VÀ CHỈ SỐ SINH HỌC CỦA THỎ

Thỏ là con vật khá nhạy cảm và dễ có phản ứng cơ thể với những sự thay đổi về điều kiện môi trường bên ngoài như nắng, mưa, độ ẩm, nhiệt độ hay thức ăn, nước uống..Vì vậy để đảm bảo tạo điều kiện đầy đủ cho thỏ sinh sống tốt khi môi trường có dấu hiệu thay đổi thì việc hiểu rõ được các đặc điểm và chỉ số sinh học của thỏ rất cần thiết.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA THỎ

Một trong những Thỏ ở tự nhiên có xu hướng đào hang làm nơi trú ẩn và sinh sản, chúng thường sống thành bầy đàn và trong đàn con cái sẽ chiếm ưu thế hơn con đực về số lượng. Thỏ cái thường dùng các vật liệu kết hợp với lông ở bụng để làm ổ trước khi đẻ, Điều đặc biệt là quá trình rụng trứng của thỏ cái sẽ xảy ra khi phối giống. Chúng có thể ăn và uống bất kỳ thời gian nào trong ngày. Đây là loài khá sạch sẽ khi chúng sẽ không ăn thức ăn đã dơ bẩn hãy rơi xuống đất, v..v..

ĐẶC ĐIỂM VÀ CHỈ SỐ SINH HỌC CỦA THỎ
ĐẶC ĐIỂM VÀ CHỈ SỐ SINH HỌC CỦA THỎ

Sự đáp ứng cơ thể của Thỏ với khí hậu:

  • Yếu tố quan trọng nhất và ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi các chỉ số sinh lý của thỏ đó là nhiệt độ. Ở nhiệt độ dưới 10℃ thỏ sẽ có xu hướng cuộn tròn mình lại ngược lại khi nhiệt độ cao từ 25 – 30℃ chúng sẽ nằm dài để tăng khả năng thoát nhiệt.
  • So với các loài vật khác, tuyến mồ hôi của thỏ hoạt động kém. Thỏ có ít tuyến mồ hôi dưới da, thải nhiệt chủ yếu qua đường hô hấp, trời nóng quá chúng sẽ thở nhanh nếu nhiệt độ lên môi trường lên đến 45℃ tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Tai được xem là bộ phận phát tán nhiệt chủ yếu của thỏ.
  • Độ ẩm cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới các trạng thái sinh lý bình thường của thỏ Thỏ rất nhạy cảm với ẩm độ thấp dưới 55% nhưng không nhạy cảm với độ ẩm cao. Điều này có thể được giải thích là do thỏ hoang dã hầu như dành phần lớn cuộc đời của chúng để sống trong các hang dưới đất với độ ẩm gần điểm bảo hòa là 100% Độ ẩm trong không khí phù hợp với thỏ là khoảng 65 – 70%. Nếu độ ẩm môi trường quá cao và kéo dài thỏ dễ bị cảm lạnh và viêm mũi. Thỏ rất thích sống ở môi trường với điều kiện thông thoáng gió với sự lưu chuyển trong không khí vào khoảng 0.3m/giây là thích hợp nhất, tuy nhiên không nên để gió thổi trực tiếp vào cơ thể của chúng có thể gây nên bệnh viêm mũi và cảm lạnh.

Cân nặng của thỏ:

Cân nặng của thỏ giao động tùy từng giống với Thỏ nội địa Việt Nam cân nặng giao động khoảng 4 – 4,5kg hay với một số giống Thỏ nhập ngoại có cân nặng khoảng 1,5 – 2,5 kg.

Thân nhiệt, nhịp tim và nhịp thở của Thỏ

  • Thân nhiệt: Nhiệt độ cơ thể của Thỏ dao động khoảng 38 – 41℃, trung bình là 39,5℃, thân nhiệt của chúng phụ thuộc nhiều vào môi trường không khí bên ngoài nhiều.
Sự thải nhiệt ra ngoài, nhiệt độ của trực trạng và nhiệt độ tai của thỏ (Đặc điểm và các chỉ số sinh học của Thỏ)
Sự thải nhiệt ra ngoài, nhiệt độ của trực trạng và nhiệt độ tai của thỏ (Đặc điểm và các chỉ số sinh học của Thỏ)
  • Nhịp tim: Nhịp tim của thỏ rất nhanh từ 120 đến 160 lần/phút.
  • Tần số hô hấp: bình thường là 60 – 90 lần/phút. Ở trạng thái bình thường thỏ thở nhẹ nhàng.
  • Nếu thỏ ở trạng thái lo lắng, sợ hãi vì lý do như âm thanh lớn, bị chọc phá hay do sự thay đổi môi trường sống một cách đột ngột thì các chỉ số tiêu sinh lý bình thường đều tăng cao. Do vậy trong quá trình chăm sóc thỏ cần cố gắng hạn chế sự tăng các chỉ tiêu sinh lý bằng cách tạo môi trường sống thích hợp cho thỏ như thông thoáng, mát mẻ và yên tĩnh.

 

Đặc điểm về khứu giác của Thỏ

  • Thỏ có một cơ quan khứu giác rất phát triển. Cấu tạo xoang mũi của thỏ có nhiều vách ngăn chằng chịt, điều này rất có lợi cho việc ngăn chặn được các tạp chất bẩn trong không khí như bụi hoặc thức ăn vụn. Khi các tạp chất này tích tục lại ở xoang mũi lâu ngày có thể là nguyên nhân gây viêm nhiễm xoang mũi. Vì thế môi trường sống cũng như nguồn thức ăn của thỏ cần sạch sẽ là điều rất cần thiết. Có một hướng giải quyết có thể giúp hạn chế việc tích tục vụn nhỏ hoặc bụi bẩn đến từ thức ăn của thỏ là nên đóng thành viên hoặc làm ẩm thức ăn trước khi cho thỏ ăn. Lồng thỏ ở phải dọn sạch sẽ tránh bụi, vệ sinh lồng chuồng thường xuyên. Tuyệt đối không để các loại thức ăn như rau cỏ dư lại trong lồng, nó có thể làm cho lồng dễ bị ẩm mốc từ đấy dễ gây ra một số bệnh ở đường hô hấp cho thỏ.
  • Thông qua việc ngửi mùi có trên thỏ con mà thỏ mẹ có thể phân biệt được con của nó hay con của con thỏ khác. Trong trường hợp muốn ghép thỏ sơ sinh mất mẹ vào thỏ mẹ khác cùng một chuồng, nên nhốt thỏ con và thỏ mẹ trong một giờ, chung một chuồng nếu thỏ mẹ không phân biệt được thì coi như là sự ghép đã thành công.

Đặc điểm về thính giác và thị giác của Thỏ 

Cơ quan thính giác và thị giác thỏ phát triển rất tốt. Thỏ rất nhạy cảm với tiếng động dù là rất nhẹ chúng cũng phát hiện. Chúng rất nhát, dễ sợ hãi, do vậy trong chăn nuôi cần tránh tiếng động ồn ào cho thỏ. Trong đêm tối mắt vẫn nhìn thấy mọi vật, do vậy thỏ vẫn có thể ăn uống ban đêm cũng như là ban ngày.

CẤU TẠO VÀ SINH LÝ HỆ TIÊU HÓA Ở THỎ

Cơ thể học hệ tiêu hóa:

 

Hình ảnh hệ tiêu hóa của thỏ trưởng thành

Khoang miệng: Cũng như các động vật khác ở thỏ miệng gồm có răng, môi và lưỡi. Ở thỏ răng gồm 2 hàm: Hàm trên và hàm dưới cụ thể hàm trên có 2 răng cửa và 6 răng hàm không có răng nanh, hàm dưới có 1 răng cửa, 5 răng hàm và không có răng nanh.

Thực quản: là 1 đường ống dài nằm sau ống khí quản được nối từ miệng xuống đến dạ dày có vai trò là vận chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày.

Dạ dày: Thỏ là loài có dạ dày đơn, có khả năng co giãn tốt nhưng co bóp yếu. Dạ dày của thỏ có thể chứa khoảng 60 – 80g trọng lượng thức ăn.

Ruột: Giống như các con vật khác đường ruột thỏ được chia làm 2 phần chính là ruột non và ruột già nhưng manh tràng lại rất phát triển

  • Ruột non: Dài khoảng 4 – 6m, đường kính 1cm tại đây liên tục diễn ra quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn được đưa từ ngoài vào.
  • Manh tràng: Manh tràng của thỏ có kích thước lớn gấp 5 – 6 lần so với dạ dày. Bộ phận tích trữ và tiêu hóa thức ăn này có chiều dài khoảng 40 – 45cm, với đường kinh khoảng 3 – 4cm. Nó chứa được 100 – 120g hỗn hợp chất chứa đồng nhất với tỉ lệ chất khô khoảng 20%. Manh tràng thỏ nằm ở phần đầu của ruột già. Tại đây luôn có hệ vi sinh vật sống cộng sinh phát triển giống như vi sinh vật trong dạ cỏ loài nhai lại là trâu, bò. Nếu cho thỏ ăn thiếu thức ăn thô thì manh tràng trống rỗng và thỏ có càm giác bị đói. Còn nếu cho ăn thiếu thức ăn xơ hoặc thức ăn xanh, củ quả có chứa nhiều nước thì dễ gây rối loạn tiêu hóa như tạo nhiều khí, phân không tạo viên, ruột chứa tích khí gây lên chướng bụng, đầy hơi đây là biến chứng rất nguy hiểm cho sức khỏe của thỏ.
  •  Ruột già: Bao gồm phần kết tràng và trực tràng, có chiều dài khoảng 1,5m. Với chức năng chủ yếu tái hấp thu các chất dinh dưỡng và tạo khuôn phân.

Trong giai đoạn đang tăng trưởng thỏ có hệ tiêu hóa rất phát triển. Có hai tuyến chính tiết vào ruột non là mật và tuyến tụy. Dịch mật thỏ chứa nhiều chất hữu cơ nhưng không có enzyme. Dịch tụy chứa những enzyme tiêu hóa protein (trypsin, chymotrypsin), tinh bột (amylase), và mỡ (lipase).

Sinh lý tiêu hóa ở thỏ

Thức ăn từ bên ngoài được đưa nhanh vào dạ dày qua xoang miệng và thực quản. Tại đây có  môi trường acid và thức ăn lưu lại khoảng 3 – 6 giờ và có những thay đổi nhỏ về mặt hóa học. Bằng những sự co thắt mạnh, chất chứa trong dạ dày được đẩy vào ruột non. Đầu tiên chất chứa sẽ được hòa tan với dịch mật và sau đó là dịch tụy.

Dưới tác động của enzyme các nguyên tố nhỏ được giải phóng ra và được hấp thu qua thành ruột non. Những mảnh thức ăn chưa được tiêu hóa có thể lưu ở ruột non khoảng 90 phút. Sau đó chúng được đi vào manh tràng và có thể lưu lại ở đó 2 – 12 giờ và sẽ được tiêu hóa bởi các enzyme của vi sinh vật. Các thức ăn xơ được tiêu hóa chủ yếu tại đây và tạo ra các acid béo bay hơi, sau đó chúng được hấp thu qua vách của manh tràng vào máu cho sự sử dụng của cơ thể.

Phần chất chứa còn lại của manh tràng sau đó sẽ được đưa vào ruột già. Khoảng 1/2 còn lại được tiêu hóa và bao gồm cả vi sinh vật ở đây. Phần đầu của ruột già có hai chức năng là tạo ra phân mềm và phân bình thường của thỏ.

Sự hình thành phân mềm dạng chùm nho ở Thỏ 

Đây là đặc điểm duy nhất chỉ có ở thỏ. Khi chất chứa trong manh tràng đi đến ruột già vào buổi sáng sớm, nó trải qua ít thay đổi về sinh hóa học và các chất nhầy của ruột già tiết ra sẽ bao quanh các chất chứa này gọi là viên phân mềm. Khi đó phân mềm sẽ được thỏ thu hồi trở lại bằng việc nuốt lại và không phải nhai lại gì cả (Ceacotrophy).

Thỏ cũng có thể nhận biết phân mềm ngay khi chúng lọt ra rớt lên trên sàn lồng để ăn trở lại. Viên phân mềm có giá trị protein và vitamin cao hơn viên phân cứng. Liên quan đến vấn đề này, một số lượng thức ăn của thỏ sẽ được sử dụng trở lại từ 2 – 4 lần. Do vậy tùy theo loại thức ăn tiến trình tiêu hóa thức ăn của thỏ có thể từ 18 – 30 giờ, trung bình là 20 giờ.

Đối với chất chứa từ manh tràng đi đến ruột già trước thời gian buổi sáng sớm sẽ hoàn toàn khác. Trong trường hợp này chất chứa sẽ tạo ra các viên phân cứng do ít nước. Các viên phân cứng sẽ được đẩy ra ngoài bình thường.

Bảng: Thành phần dưỡng chất (% vật chất khô) của viên phân mềm và phân cứng của thỏ

Hình thái 2 loại phân của thỏ (trái: phân cứng, phải: phân mền)

Mặc dù manh tràng lớn gấp 5 – 6 lần dạ dày và nhu động của ruột yếu do đó thức ăn nghèo chất xơ hoặc chứa nhiều nước (thức ăn thô xanh, củ quả) dễ phân hủy tạo thành các chất khí làm thỏ dễ chướng bụng đầy hơi và ỉa chảy. Thỏ ăn nhiều thức ăn thô xanh (rau, lá, cỏ) điều này phù hợp với yêu cầu sinh lý tiêu hóa, bảo đảm thường xuyên chất chứa trong dạ dày và manh tràng tránh được cảm giác đói và gây rối loạn tiêu hóa.

Lượng nước trong cơ thể thỏ chiếm khoảng 60 – 90% thể trọng. Nước rất cần thiết cho quá trình trao đổi chất, phát triển thai và sản xuất sữa… vì vậy cần phải cung cấp nước uống đầy đủ cho thỏ.

SINH LÝ SINH SẢN Ở THỎ

Cấu tạo cơ quan sinh dục

Cấu tạo cơ quan sinh dục đực: Như các loại động vật khác, cấu tạo cơ quan sinh dục thỏ gồm có như dịch hoàn, ống dẫn tinh, các tuyến sinh dục và dương vật. Nhưng ở thỏ có một số đặc điểm khác biệt như có thể co rút dịch hoàn khi sợ hãi hay xung đột với các con đực khác và dịch hoàn  chỉ hiện diện rõ khi thỏ đực được khoảng 2 tháng tuổi.

Cấu tạo cơ quan sinh dục cái: Cơ quan sinh dục cái gồm có buồn trứng, tử cung, âm đạo và âm hộ. Buồng trứng thỏ cái có dạng oval và chiều dài không vượt quá 1-1,5cm, phía dưới buồng trứng là ống dẫn trứng nối liền với 2 sừng tử cung độc lập 2 bên khoảng 7cm và thông với phần trên âm đạo bằng cổ tử cung. Toàn bộ bộ phận sinh dục được cố định bằng dây chằng lớn dính vào 4 điểm dưới cột sống.

Hình ảnh cấu tạo ngoài các cơ quan sinh dục đực và cái ở thỏ

Hoạt động sinh sản ở Thỏ

Cấu tạo cơ quan sinh sản bên trong của thỏ đực và thỏ cái

Thỏ đực

  • Ở thỏ đực những tập tính phối giống sẽ bắt đầu vào khoảng 60 – 70 ngày tuổi. với những biểu hiện như nhảy cỡi lên trên những con khác. Từ 5 tuần tuổi tuyến sinh dục thỏ đực phát triển nhanh chóng.  Đến 40 – 50 ngày thỏ đực mới bắt đầu sản xuất tinh trùng. Ống dẫn tinh sẽ hoạt động khoảng 80 ngày tuổi nhưng đến 110 ngày tình trùng được phóng ra lần đầu, tuy nhiên sức sống của tinh trùng rất yếu trong thời gian này, sức sống kém. Dù vậy những thỏ đực trẻ có thể sử dụng cho sự phối giống sinh sản khoảng 20 tuần tuổi.
  • Thời gian có thể cho thỏ đực nhảy cái lần đầu tiên nên là 135- 140 ngày tuổi. Lượng tinh dịch của thỏ mỗi lần phóng tinh là 0.3 – 0.6ml. Mật độ khoảng 150 – 500 x 10 tinh trùng/ml, đây là lượng tinh dịch mà thỏ đực có thể sản xuất ra trong ngày. Nếu sử dụng thỏ đực 2 lần trong ngày thì mật độ tinh trùng giảm đi phân nửa. Tuy nhiên trong thực tế thỏ đực được sử dụng 2 lần trong ngày, hay 3 – 4 lần/ tuần mật độ tinh trùng đủ để gây thụ thai. Nếu sử dụng thỏ đực phối nhiều lần trong ngày, trong tuần quá mức nói trên có thể ảnh hưởng kém đến sự thụ thai.

Thỏ cái:

  • Thỏ cái bắt đầu thành thục tính dục khi đạt thể trọng 75% khối lượng trưởng thành. Thỏ cái chấp nhận cho thỏ đực nhảy trước khi có khả năng rụng trứng. Không giống như các loài gia súc khác, thỏ cái có chu kì động dục không đồng đều, cũng như không có sự rụng trứng đồng thời trong thời gian lên giống (Lebas et al., 1986). Noãn nang của thỏ cái xuất hiện lần đầu khoảng 65 – 70 ngày. Sự phát triển cơ thể thỏ cái tỷ lệ thuận với sự thành thục của thỏ. Những thỏ cái tơ nếu cho ăn đầy đủ có thể dậy thì sớm hơn thỏ nuôi trong điều kiện chỉ nhận 75% với khẩu phần tương đương khoảng 3 tuần lễ do vậy việc đảm bảo một chế độ khẩu phần ăn phù hợp là rất quan trọng. Khác với các loài gia súc khác thỏ nhờ có xung động hưng phấn, khi giao phối mới xảy ra rụng trứng.
  • Sau khi phối 10 -12 giờ các túi trứng mới bắt đầu phá vỡ, trứng qua loa kèn vào ống dẫn trứng và đến vị trí thụ tinh. Thời gian cần thiết để trứng di chuyển gặp tinh trùng từ khi rụng là 4 giờ, trên cơ sở đó người ta đã áp dụng phương pháp bổ sung phối lại lần thứ 2 sau lần thứ nhất 6 giờ, nhằm tăng thêm số trứng thụ tinh và đẻ nhiều con. Âm hộ có màu đỏ có thể xem như là biểu hiện của một chu kì động dục mới ở thỏ cái, thời điểm này thỏ cái chấp nhận cho thỏ đực nhảy và tỉ lệ mang thai lên đến 90%. Thỏ có bản năng nhặt cỏ, rác vào ổ đẻ, cào bới ổ, tự nhổ lông bụng hoặc lông vùng cổ và chọn đồ để lót làm ổ ấm rồi mới đẻ con, sau khi đẻ thỏ mẹ phủ lông kín cho đàn con.

Tổ sinh sản của thỏ được lót bằng lông của con mẹ và một số cây cỏ mền

Sinh lý tiết sữa ở Thỏ

Cũng như loài vật khác sự tổng hợp sữa ở thỏ phụ thuộc nhiều vào 2 loại hormone là prolactin và lactogenic. Ở giai đoạn có thai prolactin sẽ bị ức chế bởi estrogen và progesterone. Khi thỏ đẻ, hormone progesterone giảm dần nhanh trong máu. Oxytocin và prolactin sẽ được tiết tự do và tạo nên sự tổng hợp sữa và thải sữa ra ngoài.

Sữa sẽ thải ra như sau: thỏ mẹ vào ổ cho con bú, các kích thích từ sự cho bú sẽ làm cho sự tiết ra oxytocin và như thế sữa sẽ được thải ra cho con bú. Lượng oxytocin tiết ra tỉ lệ thuận với số lần cho con bú, tuy nhiên thỏ mẹ sẽ chủ động số lần cho bú trong ngày.

Thường thỏ cái chỉ cho bú một lần trong ngày. Sự theo bú mẹ sẽ không tạo ra sự tiết oxytocin mà tùy theo thỏ mẹ có muốn cho con bú hay không. Sữa thỏ có giá trị dinh dưỡng cao (13% CP) hơn sữa bò, sau khi đẻ 3 tuần sữa thỏ sẽ trở nên giàu đạm và mỡ sữa (tăng 20- 22%). Lượng sữa trong 2 ngày đầu khoảng 30 – 50g sẽ tăng đến 200 – 300 g vào tuần lễ thứ 3. Nó sẽ giảm nhanh sau đó đặc biệt là trong trường hợp thỏ có thai.

Thỏ đang nuôi con ở ngày thứ 20

KẾT LUẬN ĐẶC ĐIỂM VÀ CHỈ SỐ SINH HỌC CỦA THỎ

Bệnh viện Thú Y Anipet hi vọng qua bài viết sẽ giúp các chủ nuôi hiểu rõ hơn về các đặc điểm và các chỉ số sinh học của Thỏ, nhằm bảo đảm tạo cho Thỏ một môi trường sống đầy đủ các yêu cầu tối ưu nhất cho thỏ sinh sống khi có sự thay đổi, bằng cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

Anipet là bệnh viên thú y chuyên cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh cho thú cưng. Mọi thông tin chi tiết về Dịch vụ sẽ được Đội ngũ Y Bác sĩ Bệnh Viện Thú Y Anipet tư vấn, hãy gọi ngay vào Hotline: 0357.656.379 để đặt lịch thăm khám cho thú cưng của bạn hoặc đăng ký lịch khám TẠI ĐÂY. Theo dõi Fanpage của Anipet để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích.

> Bệnh Viện Thú Y Anipet
> Fanpage: https://www.facebook.com/tuvankhamdieutriThuCung
> Thời gian làm việc: 8h0 – 19h00
> Cấp cứu 24/7: Hotline: 0357.656.379
> Địa Chỉ: 32B Tây Hòa – Phước Long A – Quận 9. TP.Thủ Đức – HCM

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *